Thú thật là từ trước đến nay, tôi… ít khi làm cái việc gọi là “lên Outline bài viết” các ông ạ. Tính đến hiện tại, tôi viết cũng kha khá bài rồi, ngắn có, dài có, nhưng tuyệt nhiên lên Outline trước khi viết thì xưa nay hiếm.

Chắc các ông không tin đâu, vì Blog của tôi bài nào bài nấy đều có tiêu đề, bố cục rõ ràng cơ mà. Thực ra thì, tôi làm… ngược đấy.

Nói ra điều này cũng thật xấu hổ, nhưng sự thật là như vậy. Đối với tôi chuyện ấy nó xa xỉ thế nào. Thông thường để viết ra một bài, tôi gần như là nghĩ gì viết nấy. Tức là nghĩ ra câu nào là viết vào câu đó. Đến cuối cùng mới sắp xếp các ý và liên kết chúng lại với nhau. Sau đó mới đặt đề mục thích hợp cho từng phần. Quy trình đại khái ngược đời như thế.

Gọi tôi là dân Outline cũng không đúng, mà No Outline lại càng không phải. Nhưng với phong cách lập dị nửa mùa của mình, tôi xin đứng vào hàng ngũ No Outline. Biết làm sao được, tôi chẳng phải dân chuyên. Phọt được một bài vài chục chữ là thấy mừng rớt nước mắt. Hơi đâu mà để ý tiểu tiết, quy trình.

Tôi biết có rất nhiều ông cũng giống như tôi vậy. Chẳng cần ao lai ao liếc gì cho mệt xác. Bút vẫn cứ ngoáy, viết vẫn rất bay. Nhưng cũng có nhiều ông theo trường phái Outline, cầu toàn hơn, chỉn chủ hơn. Và cũng viết hay bá cháy.

Vậy cuối cùng Outline hay No Outline sẽ tốt hơn? Hôm nay mát trời, tôi cùng các ông bàn về vấn đề này một chút nhờ. Trước tiên thì tôi kiến giải một chút về Outline đã nhé.

outline-va-no-outline

1. Outline bài viết là gì?

Các ông có nhớ ở bài trước, tôi đã ví von bài viết như một cô gái đẹp không? Vậy thì Outline chính là xương sống của cô ta. Từ hình hai thô sơ đó, các ông sẽ dùng content của mình để nhào nặn ra máu thịt cho cô gái đó.

Nói một cách đơn giản, Outline chính là dàn ý cơ bản nhất của bài viết. Các ông cũng có thể gọi nó là cấu trúc, bố cục, sườn bài,… hay bất cứ tên gọi nào khác. Nhưng phải đảm bảo nó giúp các ông định hình được nội dung muốn truyền tải một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Nôm na là vừa nhìn vào đã biết viết gì luôn, không cần suy nghĩ lăn tăn.

2. Lên Outline có quan trọng không?

Ở cương vị một người ít dùng Outline như tôi thì việc này giống gân gà. Có cũng được, không có cũng xong. Nhưng đối với đa phần những người sống bằng nghề viết hiện nay, tôi có thể khẳng định Outline cực kì quan trọng. Ngoài việc thể hiện sự chuyên nghiệp, lên Outline cho bài viết còn mang lại những ưu điểm rất lớn.

uu-diem-cua-outline

2.1. Định hình nội dung, tránh viết lung tung

Đây gần như là lợi ích quan trọng nhất trong việc lên Outline. Sẽ tuyệt thế nào nếu các ông khái quát được vấn đề một cách nhanh chóng chỉ nhờ những… gạch đầu dòng? Quá đã phải không nào.

Chưa hết đâu. Sau khi nội dung đã được định hình, các ông có thể thoải mái phóng bút theo mạch đã định. Việc lạc đề gần như không thể xảy ra. Outline như một hoa tiêu giỏi giúp người thuyền trưởng không bị lạc lối trên con đường tìm kiếm kho báu biển cả – OnePiece.

Có Outline, viết ít sai. Tôi thấy nhận định này luôn đúng trong mọi trường hợp.

2.2. Rút gọn thời gian, hiệu quả ngập tràn

Dài, Dai, Dại, Dở – đây là 4 Dê tối kỵ khi viết mà thầy… “Vật Lý” dạy tôi ngày xưa. Nghe hơi điêu nhưng chính xác là ông ấy dạy Lý. Nghiệp văn nó quái như thế các ông ạ. Đôi khi ông Toán, Lý lại thổi ra mấy câu thẩm thấu hơn ông Văn.

Việc lên Outline cho bài viết sẽ giúp các ông đánh tan ma chưởng 4 Dê, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Nếu như trước kia mỗi ngày viết 1 bài đã lè lưỡi thở ô xy, thì giờ đây ngày viết 100 bài vẫn còn dư tinh lực để tối đi mát xa lành mạnh.

Thật ra thì yếu tốt thời gian chỉ là một ưu điểm đi kèm với mục “Định hình nội dung, tránh viết lung tung” trên kia thôi. Nhưng xét thấy đây cũng là một lợi ích rất thiết thực, nên tôi mạn phép tách nó ra một mục riêng cho oách.

Đến đây thì có một vấn đề rất đáng suy nghĩ. CEO Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói “Tiền nhiều để làm gì“. Nhưng làm gì để nhiều tiền thì ông ấy không nói. Tương tự, ai cũng nói có Outline sẽ tiết kiệm thời gian viết. Nhưng để lên được một chiếc Outline chuẩn chỉnh cũng phải tốn thời gian chứ. Đâu phải cứ khơi khơi mà có một Outline xịn xò được. Đúng không nào?

Vấn đề này khiến tôi đau đầu mấy hôm nay. Ông nào giải được thì bật mí dưới comment nhé. Vô cùng đội ơn ông.

2.3. Logic mạch lạc, hạn chế rời rạc

Ở giai đoạn 35 xuân xanh, tôi đã chiêm nghiệm qua rất nhiều thể loại phim. Từ Á sang Âu, từ Trung sang Mỹ, thậm chí XXX, ZZZ,.. mười mấy cộng cũng xem tuốt tuồn tuột rồi.

Tôi thấy có một vấn đề rất đúng. Đó là một bộ phim có kịch bản tốt, dù diễn viên không đẹp, diễn xuất “đơ” một chút, chỉ cần kết viên mãn thì người xem vẫn chấp nhận. Và ngược lại, những bộ quá nhiều sạn, tình tiết vô lý thì dù có sao hạng A đóng cũng không cứu vãn nổi. Điển hình là các tác phẩm ngôn tình, tổng tài soái ca lạnh lùng,… Không hiểu sao Sư tử nhà tôi rất thích xem thể loại này nhưng thú thật, nhiều tình tiết tự sướng quá đà không ngửi nỗi.

Một bài viết cũng thế, khi đã đi đúng đường ngày từ đầu, cho dù văn có dở cũng đỡ phần nào. Chỉ cần hành văn mạch lạc, sáng sủa, bố cục rõ ràng, hợp lý sẽ tăng thiện cảm của người đọc.

Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc, đó là “Trước khi viết hay, hãy tập viết đúng“. Mà để viết đúng, chắc chắn phải cần một Outline tốt để làm kim chỉ nam. Các ông có công nhận điều đó không?

3. Phải chăng Outline là vô địch?

Với 3 yếu tố tôi đã liệt kê trên kia, có thể nói Outline mang lại quyền năng cực lớn cho người viết. Nó là một thứ mật khiến những tay writer mê đắm không lối thoát. Nắm vững cách lên Outline, các ông sẽ có tiềm năng trở thành những tay bút khuấy đảo phong vân.

Tuy nhiên cuộc sống luôn tồn tại hai khía cạnh của một vấn đề các ông ạ. Công bằng mà nói thì Outline cũng không phải không có hạn chế. Theo cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng Outline vẫn có một nhược điểm chí mạng. Đó là “KHUÔN KHỔ”.

outline-la-vo-dich

Đã là dàn ý thì phải theo khuôn mẫu nhất định. Nó gò văn của các ông theo một hướng định sẵn. Điều đó vô tình khiến bài viết mất đi cái chất vốn có.

Nhiều khi các ông nghĩ ra một ý rất hay, rất muốn rót vào bài. Nhưng nó lại không hợp với Outline đã lên sẵn. Những lúc như thế tức phải biết. Các ông còn nhớ bài Content nghiêm túc của tôi chứ. Bài này tôi viết cũng lâu rồi, và quan điểm của tôi là:

Không có khái niệm “Content nghiêm túc”, mà chỉ có “Content được đầu tư, xây dựng một cách nghiêm túc”. Bởi lẽ “Content nghiêm túc” quá cứng nhắc, sẽ không còn là chính mình nữa.

Ở cương vị một người viết No Outline, tôi không muốn văn mình bị gò bó theo một chuẩn nào đó. Tự do và phóng túng mới là phong cách tôi hướng đến. Nhưng lợi ích của Outline đôi khi vẫn khiến tôi thèm nhỏ dãi.

4. Tư duy viết – Vũ khí tối thượng nâng tầm Outline

Cái nghiệp văn nó lạ. Chả ông nào giống ông nào. Cùng một vấn đề đưa ra, có ông viết 5, 7 câu. Có ông viết 3, 4 câu. Có ông chỉ cần thở 1 câu cũng đủ để diễn tả mọi thứ.

Các ông không thể tưởng tượng được đâu. Có nhiều tay viết rất kinh. Đối tác vừa đặt vấn đề là ra luôn ý tưởng trong đầu rồi. Việc còn lại chỉ cần phọt, phọt và… phọt thôi. Viết cứ như khiêu vũ ấy, gọi là viết theo bản năng cũng không sai.

Đối với họ thì Outline hay No Outline không phải là vấn đề nữa. Cái mà họ hướng đến chính là làm chủ ngòi bút. Tôi xin được gọi nó là TƯ DUY VIẾT.

Đây mới là đỉnh cao của nghề và cũng là cảnh giới mà tôi luôn khao khát. Khi các ông múa bút đến trình độ nhất định, Outline hay No Outline cũng chỉ là một bước đệm nhỏ trong suốt quãng đời còn lại.

Tư duy mới là thứ tồn tại duy nhất, chí cao vô thượng trong biển chữ mênh mông.

nen-chon-outline-hay-no-outline

5. Lời kết

Cảm giác làm chủ được ngòi bút có… sướng không? Hiện tại tôi không biết. Hy vọng 5, 10 năm nữa tôi vẫn còn cơ hội ngồi đây để trả lời cho các ông câu hỏi này. Đến lúc đó, có thể tư duy của tôi đã… vượt tầm vũ trụ, đạt cảnh giới chí cao nhân bút hợp nhất, viết như không viết cũng nên.

Mặc dù là một người theo trường phái No Outline, nhưng tôi vẫn không thể phủ nhận lợi ích thực tế cực lớn mà Outline mang lại. Đương nhiên tôi sẽ không dễ dàng thay đổi trường phái. Vì tôi có lập trường của riêng mình. Với cả tôi già rồi các ông ạ, không đủ thời gian để thay đổi, học hỏi cái mới nữa.

Ai cũng nói “Biển học vô bờ bến“, hay “Học, học nữa học mãi“,… Những câu như thế tôi nghe đến phát ngán rồi. Và tôi khẳng định luôn 90% những ông phọt ra câu đó đều lừa tình thôi. Lý do thì đến tầm tuổi tôi các ông sẽ biết.

Nhân đây tôi cũng có lời khuyên cho các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn mới vào nghề. Nên đi theo con đường Outline. Bởi vì nó quá ưu việt ngay từ khi bắt đầu. Khi ngòi bút lên một tầm cao mới, hoặc đã có tên tuổi nhất định trên văn đàn, hãy suy nghĩ đến No Outline và phát triển văn của mình theo hướng bản năng nhất, tự nhiên nhất.

Còn các ông thì sao? Outline và No Outline. Đứng trước hai con đường nhưng ngòi bút chỉ có một. Các ông sẽ chọn trường phái nào?